Chuyện lạ ở Bắc Giang: Khi thẩm phán 'cầm cân' mà không 'nảy mực'?

Vụ án 'Tranh chấp quyền sở hữu tài sản' giữa bà Giáp Thị Nam (nguyên đơn) với anh Nguyễn Duy Khánh (bị đơn), được TAND TP. Bắc Giang ra bản án xét xử sơ thẩm...

 

Vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản”, với tài sản tranh chấp là Khách sạn Kim Liên (thuộc thành phố Bắc Giang), giữa bà Giáp Thị Nam (nguyên đơn) với anh Nguyễn Duy Khánh (bị đơn), được TAND TP. Bắc Giang ra bản án xét xử sơ thẩm lần đầu vào ngày 28/3/2014, nhưng bị Tòa cấp phúc thẩm xử hủy sau 3 tháng. Gần 5 năm sau, TAND TP. Bắc Giang mới ra được bản án sơ thẩm xét xử lại lần 2. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm, bản án này lại có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng?

Bản án thứ nhất: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Ánh Dương, thẩm phán TAND TP. Bắc Giang. Theo Bản án số 06/2014/DS-ST ngày 28/3/2014, nội dung vụ án tóm tắt như sau: Vụ án có tên gọi là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” chứ không phải là “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” như bản án sơ thẩm lần 2 cũng của TAND TP. Bắc Giang xác định sau này.

Bà Giáp Thị Nam bức xúc: Tại sao tôi phải cùng anh Khánh giả mạo văn bản góp vốn để che giấu việc anh Khánh nợ tôi?

Căn cứ khởi kiện của bà Giáp Thị Nam là Biên bản góp vốn ngày 16/1/2013, do anh Nguyễn Duy Khánh viết và ký, có chữ ký của bà Nam và chữ ký của người làm chứng là Phạm Thị Thanh Hương. Tòa xác định anh Khánh tự nguyện ghi biên bản chứ không bị ép buộc. Nội dung Biên bản góp vốn ghi: Anh Khánh nhận của bà Nam 4,5 tỷ đồng để mua chung khách sạn Kim Liên tại thửa đất số 48, 49, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Giang với giá 9 tỷ đồng. Anh Khánh là người đứng tên, lợi nhuận từ việc kinh doanh khách sạn sẽ chia đôi, sau này khi bán khách sạn sẽ chia đôi số tiền bán được. Trên thực tế, anh Khánh đã đứng tên sở hữu nhà đất khách sạn Kim Liên. Bà Nam khai nộp tiền cho anh Khánh 3 lần. Lần 1 là 2,3 tỷ đồng, lần 2 là 1,1 tỷ đồng là cho anh Khánh vay.  Đến lần thứ 3, vào ngày 16/1/2013, do anh Khánh không có tiền trả nên cả hai thỏa thuận mua chung khách sạn với điều kiện bà Nam góp thêm 1,1 tỷ đồng để đủ số tiền 4,5 tỷ. Sau khi viết biên bản góp vốn này, bà Nam đã đưa giấy vay nợ các lần trước đây cho anh Khánh. Phía anh Khánh không thừa nhận các lần nộp tiền như bà Nam khai, mà lý giải khác đi, nhưng kết cục cũng thừa nhận số tiền nợ  bà Nam là 4,5 tỷ đồng. Anh Khánh đồng ý trả nợ 4,5 tỷ đồng cho bà Nam với điều kiện anh Khánh được thế chấp hoặc bán khách sạn Kim Liên (đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản) thì mới có tiền trả được nợ, nhưng không đồng ý trả lãi.

Về Biên bản góp vốn, Tòa nhận định: Phía bị đơn thừa nhận Biên bản góp vốn ngày 16/1/2013 là do anh Khánh viết và ký, thừa nhận có nợ bà Nam là 4,5 tỷ đồng, phù hợp số tiền anh Khánh nhận nợ tại Biên bản góp vốn. Nhưng bản chất Biên bản góp vốn không thực chất góp vốn và không thực chất là đồng sở hữu, mà là anh Khánh xác nhận có nhận tiền, có nợ bà Nam 4,5 tỷ đồng, và việc anh Khánh nợ số tiền 4,5 tỷ đồng này là có thật. Bà Nam đòi nợ nhiều lần nhưng anh Khánh chưa trả. Nay bà Nam cũng xác định khởi kiện chỉ yêu cầu đòi nợ anh Khánh 4,5 tỷ đồng và lãi suất phát sinh tính theo lãi suất cơ bản của ngân hàng.

Từ đó Tòa tuyên: Buộc anh Nguyễn Duy Khánh có nghĩa vụ trả nợ bà Nam 4.770.000.000 đồng (trong đó 4,5 tỷ đồng tiền nợ và 270 triệu đồng tiền lãi 8 tháng).

Bản án sơ thẩm kể trên do bị các đương sự kháng cáo và VKSND TP. Bắc Giang kháng nghị nên 3 tháng sau, vào ngày 23/7/2014, TAND tỉnh Bắc Giang đã xét xử phúc thẩm, ra Bản án  số 63/2014/DS-PT tuyên hủy bản án, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Bắc Giang xét xử lại. Bản án phúc thẩm nêu rõ: Tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, việc thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Trong số các vi phạm có vi phạm giải quyết không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vượt quá phạm vi khởi kiện, vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của bà Nam. Bà Nam khởi kiện về việc “Tranh chấp quyền sở hữu về tài sản” thì lại xác định là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, theo đó, không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP. Bắc Giang!?.

Bản án sơ thẩm lần 2: Thẩm phán lập ra biên bản đối chất không có thật?

Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần này là ông Nguyễn Văn Trường, thẩm phán TAND TP. Bắc Giang. Phiên xét xử diễn ra vào ngày 10/1/2019, và tuyên bản án số 02/2019/DS-ST cùng ngày.

TAND TP. Bắc Giang, nơi đã diễn ra 2 bản án sơ thẩm liên quan đến khách sạn Kim Liên, gây nghi ngờ cho đương sự.

Ngoài nguyên đơn là bà Nam có mặt, phía bị đơn đều không có mặt (anh Khánh vắng mặt; đại diện theo ủy quyền của anh Khánh là ông Thành, bố đẻ anh Khánh, cũng có đơn đề nghị xử vắng mặt). 8 người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì 6 người vắng mặt. Luật sư phía bị đơn chỉ có mặt khi xét xử, khi tuyên án cũng... vắng mặt.

Và Tòa đã tuyên án, nội dung  hoàn toàn bất lợi cho bà Nam. Cụ thể: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở hữu tài sản nhà đất khách sạn Kim Liên đã được chuyển nhượng cho anh Khánh là sở hữu chung của bà Nam và anh Khánh. Chấp nhận yêu cầu phản tố của anh Khánh, tuyên bố giao dịch dân sự Biên bản góp vốn ngày 16/01/2013 là vô hiệu. Anh Khánh chỉ phải trả cho bà Nam số tiền là 1,1 tỷ đồng.

Bà Nam đương nhiên đã kháng cáo, chờ sự phán xử của phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Bà Nam cho rằng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Trường không khách quan, phía bị đơn và những người liên quan phía bị đơn hầu như đã biết trước kết quả phiên tòa nên họ không cần có mặt.

Một trong những bằng chứng bà Nam đưa ra chứng minh đó là Biên bản đối chất giữa bà và ông Thành, đại diện và là bố đẻ của anh Khánh được lập ra vào ngày 16/5/2018 do thẩm phán Trường chủ trì, thư ký Thơ ghi biên bản là không có thật.

Trong Đơn tố cáo gửi TAND tỉnh Bắc Giang ngày 13/3/2019, bà Nam khẳng định: Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn đã có Đơn phản tố và thay đổi lời khai đã khai với Tòa, vì vậy, bà đã có đơn đề nghị TAND TP. Bắc Giang tổ chức cho bà đối chất với bị đơn. Tuy nhiên, Tòa đã không tổ chức mà thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Trường đã gọi bà lên và đưa cho bà Bản dự thảo ghi là Biên bản đối chất đề ngày 16/5/2018, trong đó ghi sẵn lời khai của bà và lời khai của ông Thành. Thẩm phán Trường nói với bà: “Vì bà đã lâu không có mặt ở nhà, để đủ thủ tục đưa ra xét xử, bà ký vào biên bản này cho cháu”. Bà thấy trong Bản dự thảo ghi đúng với lời khai trước đó của bà với Tòa nên đã ký.

Tại phiên tòa ngày 10/1/2019, bà đã trình bày với HĐXX, đó không phải là Biên bản đối chất vì thời gian đó bà đang ở TP. Hồ Chí Minh. Biên bản này chỉ là văn bản giả tạo do thẩm phán Trường dàn dựng. Đồng thời, trước Tòa, bà đã đề nghị thư ký Thơ đang tham gia phiên xét xử nói lên sự thật và xác nhận sự thật bà nói. Tuy nhiên, chủ tọa Nguyễn Văn Trường đã không cho thư ký Thơ phát biểu và không cho bà trình bày tiếp.

Về nội dung trên, tại trang 20 của Bản án số 02/2019/DS-ST ngày 10/12019, do thẩm phán Nguyễn Văn Trường làm chủ tọa, lý giải: “Trong vụ án này, Tòa án đã tiến hành đối chất 5 lần (ngày 21/11/2013, ngày 29/9/2014, ngày 13/1/2014, ngày 26/3/2018 và ngày 15/5/2018); phiên tòa ngày 21/12/2018, ông Thành có mặt trình bày: Ông có mặt tại phiên đối chất ngày 16/5/2018 để đối chất trước mặt thư ký và thẩm phán. Tại phiên tòa hôm nay bà Nam xuất trình bản photo vé máy bay điện tử xác nhận hành trình bà bay vào TP. Hồ Chí Minh nhưng tài liệu này lại thể hiện bà bay vào TP. Hồ Chí Minh vào lúc 22 giờ, 40 phút, ngày 15/4/2018 không liên quan gì tới ngày 16/5/2018.

Về nhận định trên của bản án, bà Nam cho rằng, thẩm phán Trường đã “cả vú lấp miệng em” cố tình bóp méo sự thật. Bà cho rằng, chỉ duy nhất có một lần bà được thực sự đối chất với ông Thành có mặt thẩm phán Nguyễn Ánh Dương chủ trì và thư ký Hải ghi biên bản vào 21/11/2013. Còn từ khi bị đơn có đơn phản tố, dẫn đến vụ án được Tòa thay đổi tên gọi từ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”  thành “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; Yêu cầu  tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” thì bà khẳng định, Tòa chưa hề tổ chức cho bà hòa giải và  đối chất với bị đơn. Về Biên bản đối chất ngày 16/5/2018, bà có chứng cứ khẳng định bà không hề có mặt tại Bắc Giang để tham dự. Bằng chứng là vé máy bay điện tử ghi rõ, bà vào TP Hồ Chí Minh ngày 16/4/2018 và chuyến bay ra Hà Nội là ngày 11/7/2018. Suốt thời gian đó bà ở trong miền Nam. Ngày 16/5/2018, bà nghỉ tại nhà nghỉ Anh Thư, có giấy xác nhận của bà Nguyễn Thị Oanh là chủ nhà nghỉ; cũng ngày 16/5/2018, Công ty TNHH kỹ thuật Minh Phú xác nhận bà Giáp Thị Nam đến làm việc với Công ty tại địa chỉ 395/17N Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về việc mua máy phát điện; giấy xác nhận có chữ ký và đóng dấu của Giám đốc Đinh Ngọc Hải.

Đặc biệt, phóng viên còn thu thập được chứng cứ thuyết phục cho thấy bà Nam không có mặt tại buổi đối chất.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, niềm tin của người dân vào công lý, cũng như uy tín danh dự của một thẩm phán, cơ quan có thẩm quyền phải điều tra làm rõ thẩm phán Nguyễn Văn Trường có dàn dựng biên bản đối chất rồi đưa vào hồ sơ vụ án để xét xử hay không?

Bài sau: Dấu hiệu hình sự trong vụ án dân sự.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận